The Blog Single

  • Danh sách bệnh lý nghiêm trọng giai đoạn giữa của Manulife Việt Nam

    Điều khoản sản phẩm bảo hiểm bổ trợ Bảo Hiểm Bệnh Lý Nghiêm Trọng Nâng Cao – Khấu Trừ Phí Bảo Hiểm Rủi Ro này (“Sản Phẩm Bổ Trợ”) được đính kèm theo hợp đồng bảo hiểm của sản phẩm chính (“Hợp Đồng”) và là một phần của Hợp Đồng. Được phê chuẩn theo Công văn số 617/BTC-QLBH ngày 16 tháng 01 năm 2020 của Bộ Tài Chính.

    Quyền lợi bảo hiểm Bệnh Lý Nghiêm Trọng giai đoạn giữa

    I. Hạn mức chi trả

    Nếu theo chẩn đoán Người Được Bảo Hiểm (NĐBH) mắc Bệnh Lý Nghiêm Trọng (BLNT) giai đoạn giữa, Manulife sẽ chi trả 50% Số Tiền Bảo Hiểm, tối đa không quá 1.000.000.000 đồng cho 01 lần chi trả đối với một NĐBH.

    II. Giới hạn chi trả

    Giới hạn chi trả quyền lợi bảo hiểm Bệnh lý nghiêm trọng giai đoạn giữa đối với 1 NĐBH:

    1. Số lần chi trả quyền lợi BLNT giai đoạn giữa tối đa là 02 lần trong suốt Thời Hạn Sản Phẩm Bổ Trợ và Manulife chỉ chi trả 01 lần cho mỗi BLNT giai đoạn giữa; và
    2. Nếu có từ 02 BLNT giai đoạn giữa được chẩn đoán trong cùng 01 ngày hoặc 01 Lần Thăm Khám, Manulife chỉ chi trả cho 01 BLNT giai đoạn giữa; và
    3. Nếu BLNT giai đoạn giữa được chẩn đoán liên quan đến các bộ phận của cơ thể được xem là cơ quan cặp, Manulife chỉ chi trả 01 lần quyền lợi BLNT giai đoạn giữa đối với mỗi BLNT giai đoạn giữa cho cùng một cơ quan cặp đó;

    Cơ quan theo cặp bao gồm: tay, chân, vú, tai, mắt, ống dẫn trứng, thận, phổi, buồng trứng, tinh hoàn

    1. Trong trường hợp Người Được Bảo Hiểm tham gia nhiều hơn một Hợp Đồng Bảo Hiểm/Sản Phẩm Bảo Hiểm Bổ Trợ có quyền lợi bảo hiểm BLNT giai đoạn giữa, tổng số tiền Manulife chi trả cho quyền lợi bảo hiểm này của tất cả các Hợp Đồng Bảo Hiểm/Sản Phẩm Bổ Trợ không vượt quá 1.000.000.000 đồng cho mỗi lần chi trả;
    2. Trong trường hợp NĐBH tham gia nhiều hơn một Hợp Đồng Bảo Hiểm/Sản Phẩm Bảo Hiểm Bổ Trợ có quyền lợi bảo hiểm BLNT giai đoạn sớm, tổng số tiền Manulife chi trả cho quyền lợi bảo hiểm này của tất cả các Hợp Đồng Bảo Hiểm/SPBT không vượt quá 500.000.000 đồng cho 01 lần chi trả.

    Thời gian chờ

    Thời gian chờ là khoảng thời gian mà trong đó các sự kiện bảo hiểm nếu có xảy ra sẽ không được Manulife chi trả quyền lợi.

    Thời gian chờ được áp dụng kể từ ngày phát hành hoặc khôi phục SPBT tùy ngày nào đến sau và được quy định như sau:

    Thời gian chờ “ủ bệnh”

    NĐBH được chẩn đoán hoặc điều trị hoặc có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của Bệnh Lý Nghiêm Trọng, theo như mô tả trong chứng từ y tế, trong vòng 90 ngày kể từ:

    1. Ngày phát hành SPBT hoặc
    2. Ngày khôi phục hiệu lực gần nhất của SPBT, tùy ngày nào đến sau; hoặc

    Quy định này không áp dụng trong trường hợp NĐBH bị Tai Nạn dẫn đến mắc BLNT.

    Thời gian chờ “sống” sau khi mắc bệnh

    • NĐBH tử vong trong vòng 30 ngày kể từ ngày có chẩn đoán NĐBH mắc BLNT.

    Điều khoản loại trừ chung của Manulife Việt Nam

    Manulife sẽ không chi trả bất kỳ quyền lợi bảo hiểm nào được quy định tại Điều 1 nếu bất kỳ sự kiện bảo hiểm nêu tại điều này có liên quan đến một trong các trường hợp sau đây:

    1. Các hành vi phạm tội, ngoại trừ hành vi vô ý, của NĐBH, BMBH hoặc của NTH; hoặc
    2. Tự tử hoặc có hành vi tự tử hoặc bất kỳ trường hợp tự ý gây ra tổn thương, cho dù NĐBH có bị mất trí hay không; hoặc
    3. Nổ hoặc phóng xạ từ vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học và nguyên tử, nhiễm độc phóng xạ từ việc cài đặt hạt nhân và nguyên tử; hoặc
    4. Các Bệnh Có Sẵn, ngoại trừ những trường hợp đã được kê khai và được sự chấp thuận của Manulife.

    Danh sách Bệnh lý nghiêm trọng giai đoạn giữa của Manulife Việt Nam:

    II.BỆNH LÝ NGHIÊM TRỌNG GIAI ĐOẠN GIỮA
    II.1.1Ung thư biểu mô tại chỗ của các cơ quan cụ thể được điều trị bằng phẫu thuật triệt để
    Là sự trải qua phẫu thuật triệt để để ngăn sự lan rộng của tế bào ác tính trong cơ quan đó, và việc điều trị phải được cho là cần thiết và hợp lý.
    “Phẫu thuật triệt để” là sự lấy bỏ toàn bộ và hoàn toàn một (1) trong những cơ quan dưới đây: (1) vú (cắt bỏ vú), (2) tiền liệt tuyến (cắt bỏ tiền liệt tuyến), (3) thân tử cung (cắt bỏ tử cung), (4) buồng trứng (cắt buồng trứng), (5) ống dẫn trứng (cắt ống dẫn trứng), (6) đại tràng (cắt một phần đại tràng và nối ruột tận-tận) hoặc (7) dạ dày (cắt một phần dạ dày và khâu nối tận-tận).
    Chẩn đoán Ung thư biểu mô tại chỗ phải luôn dựa vào kết quả mô bệnh học của cơ quan bị cắt bỏ. Chẩn đoán trên lâm sàng không thỏa mãn tiêu chuẩn này.
    II.1.2Ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn sớm trên mô bệnh học là T1a hoặc T1b hoặc T1c theo phân loại TNM hoặc được mô tả theo các phân loại khác tương đương sẽ được chi trả nếu được điều trị bằng phẫu thuật cắt tuyến triệt để.
    Loại trừ mọi mức độ của tân sinh biểu mô cổ tử cung (CIN) và tân sinh biểu mô tiền liệt tuyến (PIN).
    Việc trải qua những phẫu thuật kể trên và việc phẫu thuật phải được chứng nhận là thật sự cần thiết bởi Bác Sĩ chuyên khoa ung bướu.
    Loại trừ các phẫu thuật cắt bỏ một phần như chỉ bóc khối u hoặc cắt một phần tuyến vú hoặc một phần tuyến tiền liệt.
    II.2Phẫu thuật mở hộp sọ để cắt bỏ toàn bộ u tuyến yên
    U tuyến yên gây ra triệu chứng tăng áp lực nội sọ và cần thiết phải trải qua phẫu thuật mở hộp sọ để cắt bỏ toàn bộ u tuyến yên theo tư vấn của Bác Sĩ chuyên khoa. Sự hiện diện của khối u phải dựa trên chẩn đoán hình ảnh như chụp điện toán cắt lớp (CT scan), cộng hưởng từ (MRI).
    Loại trừ Phẫu thuật cắt bỏ u tuyến yên thông qua đường xuyên xoang bướm hoặc đường mũi.
    II.3Bệnh Alzheimer mức độ trung bình
    Bệnh được chẩn đoán xác định bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ do sự suy giảm thực thể não không có khả năng hồi phục bởi Bác Sĩ chuyên khoa thần kinh và Bác Sĩ được Manulife chỉ định. Kết quả Trắc nghiệm trạng thái tâm thần tối thiểu có số điểm từ 20 (hai mươi) trở xuống theo thang điểm 30 (ba mươi) hoặc là số điểm tương đương bởi các trắc nghiệm thần kinh tâm lý khác.
    Vĩnh viễn mất đi 03 (ba) khả năng thực hiện những việc sau:
    • Trí nhớ;
    • Lý trí;
    • Nhận thức, hiểu biết, ngôn ngữ.
    Loại trừ những trường hợp:
    • Rối loạn não không do tổn thương thực thể như rối loạn thần kinh hay tâm thần;
    • Tổn thương não liên quan đến rượu, bia, chất gây nghiện.
    II.4Bệnh Parkinson trung bình
    Bệnh Parkinson nguyên phát phải do Bác Sĩ chuyên khoa thần kinh chẩn đoán xác định với tất cả các dấu hiệu sau:
    • Bệnh không thể kiểm soát được bằng thuốc; và
    • Có dấu hiệu của tình trạng tổn thương thần kinh tiến triển;
    • Không có khả năng thực hiện 2 (hai) trong 6 (sáu) Chức Năng Sinh Hoạt Hàng Ngày (có hay không có dụng cụ hỗ trợ) trong thời gian ít nhất 06 (sáu) tháng liên tục.
    Loại trừ bệnh do thuốc hay độc chất.
    II.5Hội chứng khóa trong (Locked in syndrome)
    Là tình trạng vẫn có nhận thức về môi trường xung quanh nhưng không có khả năng vận động hoặc giao tiếp bằng lời nói do cơ thể bị tê liệt hoàn toàn tất cả các cơ ngoài khả năng cử động của mắt. Phải có bằng chứng rõ ràng về liệt tứ chi và không có khả năng nói. Chẩn đoán dựa trên những bằng chứng tổn thương vùng cầu não và điện não đồ không có tình trạng mất ý thức. Bệnh phải được chuẩn đoán xác định bởi Bác Sĩ chuyên khoa thần kinh và Bác Sĩ được Manulife chỉ định.
    Tình trạng này kéo dài ít nhất 01 (một) tháng kể từ ngày được chẩn đoán.
    II.6.1Động kinh nặng
    Tình trạng này phải đáp ứng tất cả các điều kiện sau:
    • Chẩn đoán phải được xác nhận bởi Bác Sĩ chuyên khoa thần kinh và dựa trên những kết quả xét nghiệm đặc hiệu như điện não đồ (EEG), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp phát xạ (PET) hoặc các xét nghiệm tương đương;
    • Phải có những chứng cứ của các cơn co giật toàn thân vô căn tái diễn hoặc có hơn 05 cơn động kinh cơn lớn/1 tuần và bị đề kháng với các điều trị tối ưu dựa vào nồng độ thuốc trong huyết thanh;
    • Phải được kê toa điều trị bởi Bác Sĩ chuyên khoa với ít nhất 2 (hai) loại thuốc chống động kinh/co giật trong thời gian ít nhất 6 (sáu) tháng.
    Loại trừ sốt cao co giật và động kinh vắng ý thức (động kinh cơn bé).
    II.6.2Hôn mê kéo dài ít nhất 72 giờ liên tục
    Chẩn đoán phải đáp ứng tất cả các điều kiện sau:
    • Không đáp ứng với kích thích bên ngoài trong vòng ít nhất là 72 giờ;
    • Cần có các biện pháp hỗ trợ để duy trì sự sống;
    • Tổn thương não dẫn đến di chứng thần kinh vĩnh viễn được đánh giá ít nhất 30 ngày sau khi bị hôn mê.
    Loại trừ hôn mê do sử dụng rượu bia, thuốc hoặc chất gây nghiện.
    II.7Bệnh tế bào thần kinh vận động nhẹ
    Là tình trạng thoái hóa tiến triển của các bó vỏ não tủy sống và tế bào sừng trước tủy sống hoặc tế bào thần kinh ly tâm của hành não; bao gồm: bệnh teo cơ tủy sống, liệt hành não tiến triển, xơ cứng cột bên teo
    cơ và xơ cứng cột bên nguyên phát. Bệnh được chẩn đoán xác định bởi Bác Sĩ chuyên khoa thần kinh và dựa vào các xét nghiệm thích hợp.
    II.8Bệnh xơ cứng rải rác mức độ nhẹ
    Phải có chẩn đoán xác định bệnh xơ cứng rải rác bởi Bác Sĩ chuyên khoa thần kinh và phải dựa vào các yếu tố sau:
    • Các kết quả xét nghiệm xác nhận chẩn đoán bệnh xơ cứng rải rác;
    • Tiền sử các dấu hiệu thần kinh thuyên giảm và tiến triển được ghi nhận; và
    • Các di chứng thần kinh vĩnh viễn phải được Bác Sĩ chuyên khoa thần kinh xác nhận kéo dài trong 3 (ba) tháng.
    Loại trừ những nguyên nhân gây tổn thương thần kinh khác như Lupus ban đỏ hệ thống (SLE) và nhiễm HIV.
    II.9Loạn dưỡng cơ mức độ trung bình
    Là nhóm bệnh thoái hóa cơ di truyền, đặc trưng bởi sự suy yếu và teo cơ. Bệnh được chẩn đoán xác định bởi Bác Sĩ chuyên khoa thần kinh. Tình trạng này làm cho Người Được Bảo Hiểm mất khả năng thực hiện
    (có hay không có dụng cụ hỗ trợ) 02 (hai) trong 06 (sáu) Chức Năng Sinh Hoạt Hàng Ngày trong ít nhất 06 (sáu) tháng liên tục.
    II.10Phẫu thuật nội soi tim mạch
    Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành hoặc nạo xơ vữa mạch vành bằng phương pháp nội soi để chỉnh sửa đoạn động mạch vành bị tắc nghẽn.
    Sử dụng máy gia tăng động bộ nhịp đập bên ngoài và chu kỳ tim (EECP-) dùng để điều trị cơn đau thắt ngực khó chữa trị bằng thuốc và không thể can thiệp bằng các phương pháp phẫu thuật khác cũng được
    chấp nhận.
    Loại trừ những trường hợp điều trị bằng phương pháp thông nội mạch, phẫu thuật ghép cầu nối động mạch vành xâm lấn tối thiểu (MIDCAB), các thủ thuật nội mạch qua da.
    Chẩn đoán tắc nghẽn động mạch vành và cần thiết can thiệp bằng phẫu thuật phải được xác nhận bởi Bác Sĩ chuyên khoa và bằng xét nghiệm chụp động mạch vành.
    Quyền lợi này sẽ không được chi trả nếu như Người Được Bảo Hiểm có yêu cầu quyền lợi bảo hiểm liên quan đến đến bệnh Động mạch vành nhẹ (Quyền lợi bệnh lý nghiêm trọng giai đoạn sớm) hay bệnh Động
    mạch vành trung bình (quyền lợi bệnh lý nghiêm trọng giai đoạn giữa).
    II.11Bệnh động mạch vành trung bình
    Hẹp tối thiểu 60% lòng mạch của 3 (ba) động mạch vành, được xác định bằng xét nghiệm chụp động mạch vành hoặc các xét nghiệm tương đương khác.
    Động mạch vành ở đây gồm có động mạch vành phải, động mạch vành trái nhánh chính, nhánh xuống trước động mạch vành trái, nhánh mũ động mạch vành trái nhưng không bao gồm các nhánh của những động mạch này.
    Khi phẫu thuật nội soi tim mạch (Bệnh lý nghiêm trọng giai đoạn giữa) được yêu cầu quyền lợi bảo hiểm thì quyền lợi này (Bệnh động mạch trung bình) sẽ không được chi trả.
    II.12Phẫu thuật cắt bỏ màng ngoài tim
    Là bệnh lý tại màng ngoài tim mà cần phải trải qua phẫu thuật cắt bỏ màng ngoài tim hoặc phẫu thuật tim qua một lỗ nhỏ (nội soi).
    Cả hai quá trình phẫu thuật này là thật sự cần thiết về mặt y khoa và được xác định bởi Bác Sĩ chuyên khoa tim mạch.
    II.13Phẫu thuật nội soi van tim
    Là phẫu thuật mở ngực nội soi để thay thế hay sửa chữa bất thường của van tim. Các bất thường của van tim phải căn cứ vào kết quả từ thủ thuật thông tim hoặc siêu âm tim và việc thực hiện điều trị này phải cần thiết về mặt y khoa do Bác Sĩ chuyên khoa tim mạch chỉ định.
    Loại trừ trường hợp thay thế hay sửa chữa van tim qua da.
    II.14Tăng áp lực động mạch phổi thứ phát mức độ nặng
    Tăng áp lực động mạch phổi thứ phát đi kèm với phì đại tâm thất phải đáng kể. Bệnh dẫn đến tổn thương thực thể vĩnh viễn không hồi phục tương ứng với nhóm 4 của bảng phân loại suy tim của Hiệp hội Tim
    mạch New York (NYHA) theo các tiêu chuẩn như sau:
    • Nhóm 1: Không hạn chế vận động thể lực. Vận động thể lực thông thường không gây mệt, khó thở hoặc hồi hộp.
    • Nhóm 2: Hạn chế nhẹ vận động thể lực. Bệnh nhân khỏe mạnh khi nghỉ ngơi. Vận động thể lực thông thường dẫn đến mệt, hồi hộp, khó thở hoặc đau ngực.
    • Nhóm 3: Hạn chế vận động thể lực nhiều. Mặc dù bệnh nhân khỏe khi nghỉ ngơi nhưng chỉ cần vận động nhẹ đã có triệu chứng cơ năng.
    • Nhóm 4: Không vận động thể lực nào mà không gây khó chịu. Triệu chứng suy tim xảy ra khi nghỉ ngơi.
    II.15Phẫu thuật động mạch cảnh
    Là phẫu thuật lấy bỏ lớp áo trong của động mạch cảnh được thực hiện khi động mạch cảnh hẹp tối thiểu 80% trở lên, dựa vào kết quả chấn đoán hình ảnh của chụp động mạch hoặc các kỹ thuật có giá trị tương đương.
    Loại trừ trường hợp phẫu thuật lấy bỏ lớp áo trong các động mạch khác không phải động mạch cảnh và tạo hình động mạch cảnh qua da.
    II.16Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu động mạch chủ
    Là phẫu thuật sử dụng kỹ thuật tạo hình mạch máu hoặc kỹ thuật nội mạch để sửa chữa hoặc phục hồi một đoạn phình, hẹp, tắc nghẽn hoặc tách của động mạch chủ, được chẩn đoán xác định bởi Bác Sĩ chuyên khoa dựa trên kết quả siêu âm tim hoặc các xét nghiệm chẩn đoán có giá trị tương đương.
    Trong định nghĩa này, động mạch chủ bao gồm động mạch chủ ngực và động mạch chủ bụng, không bao gồm các nhánh của nó.
    Loại trừ các phẫu thuật chỉnh sửa, cắt bỏ, ghép đoạn phình động mạch bằng kỹ thuật mở lồng ngực, mở bụng hoặc nội soi.
    II.17Hen suyễn nặng
    Bằng chứng của cơn suyễn nặng cấp tính với cơn hen ác tính kéo dài cần phải nằm viện, đặt nội khí quản và thở máy trong khoảng thời gian liên tục ít nhất 08 (tám) giờ theo chỉ định của Bác Sĩ chuyên khoa.
    II.18Xơ gan
    Tình trạng xơ gan ở thang điểm 6 trở lên theo hệ thống điểm xơ hóa HAI-Knodell với kết quả thực hiện sinh thiết gan hoặc ở thang điểm từ 7 đến 9 theo hệ thống điểm Child-Pugh (tương ứng với Child - Pugh B).
    Chẩn đoán phải được xác nhận bởi Bác Sĩ chuyên khoa.
    Loại trừ các bệnh lý gan có nguyên nhân liên quan đến rượu bia hay chất gây nghiện.
    II.19Bệnh viêm xơ chai đường mật nguyên phát mãn tính
    Là tình trạng tắc nghẽn tiến triển đường mật gây vàng da lâu dài.
    Chẩn đoán dựa vào hình ảnh chụp đường mật và được xác nhận bởi Bác Sĩ chuyên khoa tiêu hóa.
    Được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, thuốc điều trị ngứa dai dẳng, nông, đặt giá đỡ (stent) đường mật.
    Loại trừ các trường hợp xơ chai, tắc nghẽn đường mật là hậu quả của các trường hợp như phẫu thuật đường mật, sỏi túi mật, viêm – nhiễm trùng đường ruột hoặc nguyên nhân thứ phát khác.
    II.20Bệnh thận mạn tính
    Bác Sĩ chuyên khoa thận phải chẩn đoán bệnh thận mạn tính với chức năng thận bị tổn thương vĩnh viễn.
    Phải có bằng chứng xét nghiệm cho thấy chức năng thận bị suy giảm nghiêm trọng với eGFR ít hơn 15ml/phút/1,73m2 diện tích bề mặt cơ thể, kéo dài trong 6 (sáu) tháng trở lên.
    II.21Mất khả năng sống độc lập (giai đoạn trung gian)
    Tình trạng này là hậu quả của bệnh tật hoặc chấn thương khiến cho Người Được Bảo Hiểm không còn khả năng thực hiện (có hoặc không sử dụng thiết bị hỗ trợ) 2 (hai) trong 6 (sáu) “Chức Năng Sinh Hoạt Hàng Ngày”, liên tục trong 6 (sáu) tháng.
    Loại trừ bệnh không do tổn thương thực thể như những bệnh về thần kinh hay tâm thần.
    II.22Viêm màng não nhiễm khuẩn với di chứng thần kinh có khả năng hồi phục
    Bệnh do nhiễm khuẩn gây ra tình trạng viêm màng não hoặc tủy sống gây ra những di chứng thần kinh có khả năng hồi phục.
    Chẩn đoán phải được xác định bởi:
    • Sự hiện diện của vi khuẩn trong dịch não tủy qua kết quả chọc dò tủy.
    • Bác Sĩ chuyên khoa thần kinh.
    Loại trừ bệnh viêm màng não trên người nhiễm HIV.
    II.23HIV do cấy ghép cơ quan
    Là sự nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) do cấy ghép cơ quan, trong đó tất cả những điều kiện sau phải được thỏa mãn:
    • Việc cấy ghép cơ quan là cần thiết về mặt y khoa hoặc là một phần trong quá trình điều trị y khoa; và
    • Việc cấy ghép cơ quan được thực hiện sau Ngày Cấp Sản Phẩm Bổ Trợ hoặc ngày xác nhận thay đổi hoặc ngày khôi phục hiệu lực của Sản Phẩm Bổ Trợ, tùy theo ngày nào xảy ra sau cùng; và
    • Nguồn lây nhiễm HIV được xác minh là từ cơ sở y tế thực hiện việc cấy ghép và cơ sở y tế đó phải có khả năng tìm ra nguồn gốc nhiễm HIV của cơ quan cấy ghép.
    II.24Viêm não do virus mức độ nhẹ
    Là tình trạng viêm của nhu mô não (bán cầu đại não, thân não hoặc tiểu não) do nhiễm virus, gây ra di chứng thần kinh nghiêm trọng nhưng có thể phục hồi, cần phải điều trị nội trú ít nhất 2 (hai) tuần. Di chứng thần kinh phải kéo dài ít nhất 6 (sáu) tuần.
    Chẩn đoán phải được xác nhận bởi Bác Sĩ chuyên khoa và bởi xét nghiệm thích hợp chứng minh nhiễm virus ở não.
    Loại trừ viêm não do nhiễm HIV.
    II.25Sốt bại liệt (giai đoạn trung gian)
    Bệnh sốt bại liệt được xác định khi đáp ứng các điều kiện sau:
    • Nguyên nhân gây bệnh là do vi rút bại liệt (Poliovirus); và
    • Liệt cơ hô hấp cần phải thở máy trong thời gian liên tục ít nhất 96 (chín mươi sáu) giờ.
    II.26Bệnh xơ cứng bì tiến triển với hội chứng CREST
    Bệnh xơ cứng bì hệ thống với hội chứng Crest phải được chẩn đoán xác định bởi Bác Sĩ chuyên khoa dựa vào các tiêu chuẩn lâm sàng được chấp nhận và được xác định bằng kết quả sinh thiết và xét nghiệm huyết thanh.
    Bệnh gây tổn thương đến:
    • Da với sự lắng động của canxi, xơ cứng ở ngón chi.
    • Thực quản.
    • Giãn các mao mạch.
    • Hiện tượng Raynaud’s gây co thắt động mạch ở các chi.
    Loại trừ những trường hợp sau:
    • Xơ cứng bì khu trú (xơ cứng bì từng đám, từng dải);
    • Bệnh viêm cân mạc bạch cầu ái toan (Eosinophilic fasciitis).
    II.27Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống dạng trung bình có kèm viêm thận do Lupus
    Là bệnh tự miễn mà mô và các tế bào bị tổn thương bởi sự lắng động của các kháng thể gây bệnh và các phức hợp miễn dịch gây ra tổn thương tại thận.
    27.1 Phải có tối thiểu 4 (bốn) biểu hiện sau đây trên lâm sàng theo đề nghị của Hội thấp khớp học Hoa Kỳ:
    a) Ban đỏ ở má
    b) Ban dạng đĩa
    c) Nhạy cảm ánh sáng
    d) Loét miệng
    e) Viêm khớp
    f) Viêm thanh mạc
    g) Rối loạn ở thận
    h) Xét nghiệm huyết học với giảm bạch cầu (< 4,000/ml), giảm lympho bào (<1,500ml), giảm tiểu cầu (< 100,000/ml), thiếu máu tán huyết
    i) Rối loạn thần kinh cục bộ.
    27.2 Phải có tối thiểu 2 (hai) xét nghiệm sau đây có kết quả dương tính:
    a) Kháng thể kháng nhân
    b) LE tế bào
    c) Anti DNA
    d) Anti-Sm (Smith IgG Autoantibodies).
    27.3 Có viêm thận do Lupus gây suy giảm chức năng thận với xét nghiệm Creatinine Clearance < 50mm/phút
    Bệnh phải được chẩn đoán xác định bởi Bác Sĩ chuyên khoa.
    II.28Hội chứng rối loạn sinh tủy hoặc xơ tủy
    Bệnh thiếu máu dai dẳng nặng, không có khả năng hồi phục, cần phải truyền máu định kỳ và vĩnh viễn.
    Bệnh phải được chẩn đoán xác định bởi Bác Sĩ chuyên khoa huyết học và kết quả sinh thiết tủy xương.
    II.29Teo thần kinh thị giác gây khiếm thị
    Suy giảm thị lực của cả 2 (hai) mắt do teo thần kinh thị giác.
    Chẩn đoán phải được xác nhận bởi Bác Sĩ chuyên khoa về mắt với cả hai mắt phải có thị lực dưới 6/60 khi dùng bảng kiểm tra thị lực Snellen hoặc các bảng tương đương hoặc có thị trường dưới 20 độ.
    Loại trừ khiếm thị có nguyên nhân liên quan đến bia rượu, thuốc.
    II.30Câm do liệt dây thanh
    Quyền lợi này được chi trả khi có chẩn đoán liệt hoàn toàn và không hồi phục của dây thanh do hậu quả của bệnh hệ thần kinh hoặc chấn thương. Quyền lợi chỉ được chi trả khi can thiệp phẫu thuật là cần thiết
    theo sự chỉ định của Bác Sĩ phẫu thuật Tai mũi họng để phục hồi giọng nói.
    Sự mất khả năng phát âm phải kéo dài liên tục trong 12 (mười hai) tháng. Chẩn đoán phải dựa vào bằng chứng y khoa được cung cấp bởi Bác Sĩ chuyên khoa Tai mũi họng.
    Loại trừ mọi trường hợp có nguyên nhân tâm thần.
    II.31Bỏng khuôn mặt mức độ trung bình
    Là bỏng độ III (toàn bộ bề dày của da) chiếm ít nhất 50% khuôn mặt của Người Được Bảo Hiểm. Bỏng phải được chữa trị bởi Bác Sĩ chuyên khoa.
    II.32Phẫu thuật cấy ghép ốc tai
    Là phẫu thuật cho những tổn thương vĩnh viễn ở ốc tai hoặc thần kinh thính giác.
    Chẩn đoán xác định bệnh và yêu cầu phẫu thuật phải được xác nhận bởi Bác Sĩ chuyên khoa Tai mũi họng.
    II.33Chấn thương sọ não cần phẫu thuật mở hộp sọ
    Là việc trải qua phẫu thuật mở hộp sọ để điều trị gãy lún xương sọ hoặc chấn thương nội sọ nghiêm trọng gây nên bởi Tai Nạn.
    Loại trừ phẫu thuật khoan lỗ hộp sọ (phẫu thuật Burr Hole).
    II.34Cấy ghép tủy xương hoặc các cơ quan chính (trong danh sách chờ phẫu thuật)
    Quyền lợi này chi trả cho những người đang trong danh sách chính thức của bệnh viện chờ nhận cấy ghép các cơ quan sau:
    • Tủy xương bằng cách sử dụng các tế bào tạo máu gốc sau khi hủy toàn bộ tủy xương; hoặc
    • 01 (một) trong những cơ quan sau: tim, phổi, gan, thận hoặc tụy là kết quả của sự suy giai đoạn cuối không hồi phục của các cơ quan trên.
    Loại trừ những trường hợp ghép tế bào gốc khác.
    II.35Mất khả năng sử dụng của 01 (một) chi cần phải có bộ phận giả
    Mất hoàn toàn và vĩnh viễn khả năng sử dụng của cả 01 (một) chi (trên khuỷu tay hoặc trên gối) do chấn thương hoặc bệnh mà cần phải lắp và sử dụng bộ phận giả.
    Tình trạng này phải được xác nhận bởi Bác Sĩ chuyên khoa.
    Loại trừ trường hợp liệt do tự gây ra thương tật.

    Bạn có thể quan tâm:

0 comment

Hãy chia sẻ quan điểm

Top