The Blog Single

  • Những lầm tưởng và quan niệm sai lầm về bệnh ung thư

    Một số quan điểm phổ biến “có vẻ đúng” về cách bệnh ung thư (UT) bắt nguồn và phát triển; lại sai về mặt khoa học. Đặc biệt khi những ý tưởng đó bắt nguồn từ những giả thuyết lâu đời. Những quan niệm sai lầm này có thể dẫn đến sự lo lắng không cần thiết; thậm chí cản trở các phương án phòng ngừa và điều trị thực sự tốt.

    Ung thư có phải là án tử không?

    Tại Hoa Kỳ, khả năng tử vong vì UT đã giảm đều đặn kể từ những năm 1990. Xét con số bình quân hiện nay:

    • Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với bệnh UT nói chung là khoảng 67%.
    • Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với một số bệnh UT, chẳng hạn như ung thư vú, tuyến tiền liệt và tuyến giáp là hơn 90%.

    Xét về mặt cá thể, một bệnh nhân UT sống được bao lâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: Tốc độ phát triển, mức độ di căn, phương pháp điều trị, sức khỏe tổng thể của người bệnh.

    Ăn tinh bột có làm cho bệnh ung thư nặng hơn không?

    Không. Mặc dù nghiên cứu đã chỉ ra rằng các tế bào UT tiêu thụ nhiều đường/tinh bột (glucose) hơn các tế bào bình thường; không có nghiên cứu nào chỉ ra rằng ăn tinh bột sẽ làm cho bệnh UT trở nên tồi tệ hơn; hoặc ngừng ăn đường sẽ làm khối u thu nhỏ và biến mất. Tuy nhiên, chế độ ăn nhiều đường có thể góp phần làm tăng cân và béo phì làm tăng nguy cơ phát triển một số loại UT.

    Chất làm ngọt nhân tạo có gây ung thư không?

    Không. Các nghiên cứu về tính an toàn của chất làm ngọt nhân tạo (chất thay thế đường trong bánh kẹo, thực phẩm) như:

    • Saccharin;
    • Cyclamate;
    • Aspartame;
    • Acesulfame Kali;
    • Sucralose; và
    • Neotame

    Và không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy chúng gây UT ở người. Tất cả các chất làm ngọt nhân tạo này ngoại trừ cyclamate đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cho phép lưu hành tại Hoa Kỳ.

    Bệnh ung thư có lây không?

    Nói chung là không. UT không phải là bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan từ người này sang người khác. Tình huống duy nhất mà UT có thể lây lan từ người này sang người khác là trong trường hợp cấy ghép nội tạng hoặc mô. Một người nhận nội tạng hoặc mô từ người hiến tặng đã từng bị UT trong quá khứ có thể tăng nguy cơ phát triển UT liên quan đến cấy ghép trong tương lai. Tuy nhiên, nguy cơ đó là cực kỳ thấp – khoảng 02/10.000 số ca cấy ghép nội tạng có yếu tố UT. Các bác sĩ cũng tránh sử dụng nội tạng hoặc mô từ những người hiến tặng có tiền sử UT.

    Ở một số người, UT có thể do một số loại vi rút gây ra (một số loại vi rút u nhú ở người, hoặc HPV, chẳng hạn) và vi khuẩn (chẳng hạn như Helicobacter Pylori ). Virus hoặc vi khuẩn có thể lây lan từ người này sang người khác, nhưng bệnh UT mà chúng gây ra thường không lây lan từ người này sang người khác.

    Thái độ tích cực/tiêu cực có khiến nguy cơ mắc hoặc khả năng hồi phục tăng hoặc giảm hay không?

    Cho đến nay, không có bằng chứng khoa học thuyết phục nào liên kết trực tiếp giữa “thái độ” của một người với nguy cơ phát triển hoặc tử vong vì UT.

    Bệnh nhân UT cảm thấy buồn/tức giận/nản lòng là điều hết sức bình thường. Nhưng tình trạng này kéo dài sẽ khiến sức khỏe tổng thể của người bệnh suy giảm.

    Những bệnh nhân có thái độ tích cực nhìn chung có sức khỏe nền tảng tốt hơn, góp phần tích cực vào quá trình điều trị bệnh.

    Phẫu thuật hoặc sinh thiết khối u có khiến ung thư di căn không?

    Xác suất rủi ro phẫu thuật khiến UT di căn sang các bộ phận khác của cơ thể là cực kỳ thấp. Theo quy trình tiêu chuẩn, bác sĩ phẫu thuật sử dụng các phương pháp đặc biệt và thực hiện nhiều bước để ngăn chặn tế bào UT lây lan trong quá trình sinh thiết hoặc phẫu thuật loại bỏ khối u.

    Ví dụ, nếu bác sĩ phải loại bỏ mô từ nhiều vùng trên cơ thể, họ sẽ sử dụng các công cụ phẫu thuật khác nhau cho từng vùng.

    Bệnh ung thư sẽ nặng hơn nếu tiếp xúc với không khí?

    Không. Tiếp xúc với không khí sẽ không làm cho các khối u phát triển nhanh hơn hoặc khiến UT di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.

    Điện thoại di động có gây ung thư không?

    Không. Theo những nghiên cứu uy tín nhất hiện nay thì không. UT là do đột biến gen. Điện thoại di động phát ra một dải năng lượng tần số thấp; không có khả năng làm hỏng gen.

    Đường dây điện có gây ung thư không?

    Theo những nghiên cứu uy tín nhất hiện nay thì không. Đường dây điện phát ra cả năng lượng điện và năng lượng từ trường. Năng lượng điện do các đường dây điện phát ra dễ bị các bức tường và các vật dụng khác che chắn hoặc làm suy yếu. Năng lượng từ trường do dây điện phát ra là một dạng bức xạ tần số thấp không gây hại cho gen.

    Các sản phẩm thảo dược có thể chữa khỏi bệnh ung thư không?

    Không. Mặc dù một số nghiên cứu cho thấy rằng các liệu pháp thay thế hoặc bổ sung, bao gồm một số loại thảo mộc, có thể giúp bệnh nhân đối phó với các tác dụng phụ của điều trị UT; nhưng không có sản phẩm thảo dược nào được chứng minh là tác dụng điều trị ung thư.

    Trên thực tế, một số thảo dược có thể có hại trong quá trình hóa trị/xạ trị. Bệnh nhân UT nên tham khảo với bác sĩ về bất kỳ thuốc thay thế và bổ sung nào — bao gồm cả vitamin và thảo dược bổ sung.

    Nếu trong gia đình tôi có người bị ung thư thì tôi có khả năng bị UT không?

    Không hẳn. UT là do đột biến trong gen. Chỉ có khoảng 5-10% trường hợp UT là do di truyền từ cha mẹ. Trong các gia đình có đột biến di truyền gây UT, nhiều thành viên trong gia đình thường sẽ phát triển cùng một loại UT. Những bệnh UT này được gọi là UT “gia đình” hoặc “di truyền”.

    90-95% các trường hợp UT còn lại là do các đột biến xảy ra như là kết quả tự nhiên của quá trình lão hóa; và tiếp xúc với các yếu tố môi trường, chẳng hạn như khói thuốc lá và bức xạ. Những bệnh UT này được gọi là UT “không di truyền” hoặc “tự phát”.

    Nếu không có ai trong gia đình tôi bị ung thư, tôi không có rủi ro?

    Không. Dựa trên dữ liệu thống kê gần nhất, khoảng 38% đàn ông và phụ nữ sẽ mắc bệnh UT vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ. Hầu hết các bệnh UT là do những đột biến gen trong quá trình lão hóa tự nhiên; và tiếp xúc với các yếu tố môi trường như khói thuốc lá và bức xạ. Các yếu tố khác cần kể đến như loại thực phẩm; lượng calo; và chế độ luyện tập thể thao.

    Sử dụng sản phẩm khử mùi mồ hôi có gây ung thư vú không?

    Nghiên cứu hiện nay chưa tìm thấy mỗi liên hệ trực tiếp nào giữa chất khử mùi mồ hôi và thay đổi ở mô vú.

    Sử dụng thuốc nhuộm tóc có làm tăng nguy cơ ung thư?

    Không có bằng chứng khoa học thuyết phục nào cho thấy việc sử dụng thuốc nhuộm tóc làm tăng nguy cơ UT.

    Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy những thợ làm tóc thường xuyên tiếp xúc với lượng lớn thuốc nhuộm tóc và các sản phẩm hóa học khác có nguy cơ mắc UT bàng quang cao hơn.

    Nguồn: https://www.cancer.gov/

0 comment

Hãy chia sẻ quan điểm

Top