The Blog Single

  • Đang tham gia Bảo hiểm nhân thọ mà chịu án phạt tù thì hợp đồng sẽ thế nào?

    Nhiều khách hàng và đại lý bảo hiểm có đưa ra thắc mắc về trường hợp “Đang tham gia bảo hiểm nhân thọ (BHNT) mà chịu án phạt tù, lúc đó hợp đồng (HĐ) bảo hiểm hiện hữu sẽ như thế nào? HĐ BHNT đó có bị mất hiệu lực không?

    Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn hiểu được cơ sở pháp lý để từ đó tự tìm cho mình câu trả lời:

    Khi nào thì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bị tuyên mất/chấm dứt hiệu lực?

    Khách hàng cần phân biệt hai khái niệm: Mất hiệu lực hợp đồngChấm dứt hiệu lực hợp đồng. Hai khái niệm này không hoàn toàn giống nhau.

    HĐ BHNT mất hiệu lực nếu sau 60 ngày gia hạn đóng phí, giá trị tài khoản hợp đồng (Tiền trong tài khoản) của khách hàng không đủ để khấu trừ các chi phí liên quan (phí bảo hiểm rủi ro, phí quản lý hợp đồng). Vậy:

    • Trường hợp mất hiệu lực liên quan đến nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm của khách hàng
    • Trong giai đoạn HĐ mất hiệu lực, doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm chi trả tiền bảo hiểm nếu chẳng may khách hàng gặp rủi ro về sức khỏe và tính mạng.
    • Hợp đồng có thể được khôi phục hiệu lực trong vòng 24 tháng kể từ ngày mất hiệu lực.

    Về mặt quyền lợi bảo hiểm, sau khi HĐ chấm dứt hiệu lực, khách hàng cũng sẽ không được nhận tiền bảo hiểm nếu chẳng may gặp rủi ro về sức khỏe và tính mạng. Cần lưu ý rằng một khi hợp đồng bị chấm dứt hiệu lực thì sẽ không thể khôi phục hiệu lực. Dưới đây là một số trường hợp mà Hợp đồng sẽ bị chấm dứt hiệu lực:

    1. Bên mua bảo hiểm (BMBH) chủ động yêu cầu chấm dứt hiệu lực hợp đồng và được doanh nghiệp bảo hiểm đồng ý
    2. Bên mua bảo hiểm yêu cầu rút toàn bộ (tiền mặt) giá trị tài khoản hợp đồng.
    3. Hợp đồng mất hiệu lực và không được khôi phục trong vòng 2 năm (24 tháng).
    4. Ngày đáo hạn hợp đồng
    5. Ngày người được bảo hiểm (NĐBH) chính tử vong
    6. Trường hợp BMBH/NĐBH cố tình cung cấp thông tin sai sự thật mà nếu biết được thông tin này doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không chấp nhận bảo hiểm.
    7. Có các thay đổi về mức độ rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng mà 2 bên không thể đi đến thỏa thuận chung. Ví dụ như trường hợp NĐBH đi định cư ở nước ngoài, thay đổi nghề nghiệp…

    Khi tham khảo kỹ điều khoản hợp đồng của các công ty bảo hiểm nhân thọ, bạn sẽ thấy rằng yếu tố “quyền công dân” không được nhắc đến. Hầu như không gặp được điều khoản nào quy định về trường hợp đang tham gia bảo hiểm mà chịu án phạt tù.

    Một người có bị tước đoạt tất cả các quyền công dân khi chịu án phạt tù?

    Quyền công dân gồm những gì?

    Chương II của Hiến pháp 2013 quy định rất rõ về các quyền của một công dân. Ví dụ bao gồm:

    1. Quyền sống của con người;
    2. Quyền bất khả xâm phạm về thân thể;
    3. Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình; quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác;
    4. Quyền có nơi ở hợp pháp của công dân và quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của mọi người;
    5. Quyền tự do đi lại và cư trú;
    6. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo;
    7. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình;
    8. Quyền bình đẳng giới;
    9. Quyền bầu cử và quyền ứng cử của công dân;
    10. Quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân;
    11. Quyền biểu quyết của công dân khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân;
    12. Quyền khiếu nại, tố cáo của mọi người;
    13. Quyền suy đoán vô tội và được xét xử công bằng; quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự;
    14. Quyền sở hữu và quyền thừa kế của mọi người;
    15. Quyền tự do kinh doanh của mọi người;
    16. Quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc, được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi của công dân;
    17. Quyền kết hôn, ly hôn;
    18. Quyền của trẻ em, của thanh niên, người cao tuổi;
    19. Quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của mọi người;
    20. Quyền học tập của công dân;
    21. Quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó của mọi người;
    22. Quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa của mọi người;
    23. Quyền xác định dân tộc, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp của giao tiếp của công dân;
    24. Quyền được sống trong môi trường trong lành của mọi người.

    Khi chịu án phạt tù, một người sẽ bị tước bỏ những quyền gì?

    Tùy theo mức độ nghiêm trọng mà một người đang chịu án phạt tù sẽ bị tước bỏ các quyền:

    • Quyền tự do đi lại và cư trú
    • Quyền bầu cử và quyền ứng cử
    • Quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân.
    • Quyền biểu quyết
    • Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.

    Đặc biệt cần lưu ý, quyền sở hữu thu nhập hợp pháp, quyền sở hữu tư nhân của phạm nhân vẫn được bảo toàn.

    Án phạt tù có khiến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bị mất hiệu lực?

    Dựa trên hai luồng thông tin phía trên thì chúng ta có thể đưa ra các nhận định sau:

    • Trường hợp BMBH chịu án phạt tù và không có thu nhập, không thể tiếp tục đóng phí, chỉ cần làm thủ tục chuyển nhượng hợp đồng theo đúng quy định của doanh nghiệp bảo hiểm.
    • Pháp luật không quy định HĐBH sẽ mất hiệu lực khi BMBH/NĐBH chịu án phạt tù. Chúng ta cần kiểm tra điều khoản của cty có quy định cụ thể về trường hợp đang tham gia bảo hiểm mà chịu án phạt tù hay không!

    Nếu NĐBH tử vong khi đang chịu án phạt tù thì sao?

    Giả sử DNBH đồng ý tiếp tục bảo hiểm cho trường hợp tử vong của khách hàng. Tất nhiên có thể kèm với những điều chỉnh phù hợp.

    Nếu NĐBH tử vong trong quá trình chịu án và không rơi vào trường hợp loại trừ, thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải trả tiền bảo hiểm. Các trường hợp loại trừ bảo hiểm thường gặp đối với sự kiện NĐBH tử vong như sau:

    1. Tự tử trong vòng 2 năm (24 tháng) kể từ Hiệu lực hợp đồng hoặc ngày khôi phục hiệu lực Hợp Đồng gần nhất, tùy thuộc vào ngày nào xảy ra sau cho dù NĐBH có bị mất trí hay không
    2. Hành vi vi phạm pháp luật hình sự của BMBH, NĐBH, Người thụ hưởng.
    3. Liên quan đến HIV/AIDS

    Chi tiết các bạn vui lòng tham khảo bộ điều khoản hợp đồng của bản thân.

    Phân biệt giữa vi phạm pháp luật và hành vi phạm tội

    Hi vọng, bài viết đã giúp cho các bạn giải đáp được câu hỏi ở bên trên. Nếu các bạn có bất kỳ thắc mắc, ý kiến gì, hãy comment bên dưới. Chúng ta cùng trao đổi và thảo luận.

    Cảm ơn,

0 comment

Hãy chia sẻ quan điểm

Top